QUY TRÌNH DINH DƯỠNG CHO CÂY LẠC
QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY LẠC
TIẾN NÔNG 2016-2017
1. Đặc điểm chung về cây lạc
- Là cây công nghiệp ngắn ngày, cây lấy dầu có giá trị kinh tế cao, cây nguyên liệu quan trọng của công nghiệp chế biến.
- Lạc là cây trồng nhiệt đới và á nhiệt đới nên có thể trồng trong phạm vi điều kiện sinh thái khá rộng. Cây lạc phát triển thuận lợi trong khoảng nhiệt độ từ 24-330C. Lạc là cây trồng chịu hạn song chỉ có khả năng chịu hạn ở một giai đoạn nhất định, nước là yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, đặc biệt ở thời kỳ sinh trưởng sinh thực
- Cây lạc có thời gian sinh trưởng khoảng 100-130 ngày. Củ lạc là quả của cây lạc được bắt đầu từ việc ra hoa, thụ phấn thụ tinh trên mặt đất thành tia quả rồi nhanh chóng đâm xuống đất ở độ sâu 3-7 cm và phình ra theo chiều ngang mà thành củ. Trong kỹ thuật trồng lạc phải tạo điều kiện cho lạc ra hoa tập trung (thời kỳ ra hoa rộ chỉ khoảng 10-15 ngày) và tạo điều kiện thuận lợi để tia quả phát triển.
2. Đặc điểm sinh lý dinh dưỡng của cây lạc
2.1. Đặc điểm sinh trưởng phát triển của cây lạc
- Thời kỳ mọc: bắt đầu từ khi hạt hút nước rồi nảy mầm thành cây con. Thời kỳ này cần chú ý điều chỉnh ẩm độ đất và nhiệt độ đất cho thích hợp để đạt tỷ lệ nảy mầm cao
- Thời kỳ cây con: từ khi cây mọc đến khi cây nở hoa đầu tiên (thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng) kéo dài 25-40 ngày. Thời kỳ này đòi hỏi đảm bảo đủ dinh dưỡng và độ ẩm để cây phát triển bộ rễ và phát triển cơ quan dinh dưỡng trên mặt đất.
- Thời kỳ ra hoa, làm hạt: diễn ra khoảng 30-40 ngày, cây lạc đã bước vào thời kỳ sinh trưởng sinh thực nhưng vẫn cần phát triển các cơ quan sinh trưởng rất mạnh nên lạc có nhu cầu cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng tạo điều kiện cho cây sinh trưởng dinh dưỡng sớm, mạnh và ra hoa tập trung.
- Thời kỳ chín: từ khi hạt định hình đến khi hạt chín hoàn toàn, kéo dài 30-40 ngày trước thu hoạch. Là thời kỳ tích lũy chất khô vào quả.
2.2. Đặc điểm hệ rễ của lạc
- Rễ lạc là rễ cọc gồm 1 rễ chính ăn sâu và các rễ bên phát triển, phân bố ở tầng đất mặt 0-30 cm.
- Bộ rễ lạc có cấu tạo đặc biệt: không có lông hút mà nhu mô vỏ của các rễ bên trực tiếp hút nước và dinh dưỡng (nên có khả năng hút dinh dưỡng từ môi trường nghèo).
- Đặc điểm quan trọng của bộ rễ cây lạc là có khả năng hình thành nốt sần với sự xâm nhập của vi khuẩn Rhzobium vigna, tự túc phần lớn nhu cầu đạm cho cây lạc. Nốt sần hình thành khoảng 25-30 ngày sau gieo, khi cây lạc có 4-5 lá thật, tập trung phần lớn ở vùng gốc rễ, đạt cực đại ở thời kỳ hình thành quả và hạt lạc.
3. Chọn và làm đất : Do đặc điểm sinh lý của lạc là sự đâm tia và phát triển quả do đó ta nên chọn đất tơi, xốp, khả năng giữ nước và thoát nước tốt để thỏa mãn:
- Rễ phát triển mạnh cả về chiều sâu, chiều ngang.
- Đủ ô xy cho vi sinh vật nốt sần phát triển và hoạt động cố định đạm.
- Tia quả đâm xuống đất dễ dàng, dễ thu hoạch không bị đứt quả..
- Cày bừa, kỹ và nhặt cỏ dại trước khi lên luống, rạch hàng lên luống rộng 75 – 80 cm (cả rãnh), luống cao 20 – 25 cm, đảm bảo mặt luống rộng 45 – 50 cm, gieo 2 hàng dọc theo chiều dài luống.
- Cây lạc thích hợp với pH đất khoảng 5,5 – 6 trong khi hầu hết đất trồng lạc ở Việt Nam có pH < 5, “Chất điều hòa pH đất Tiến Nông” có nhiều ưu điểm vượt trội: khử chua, hạ phèn, cải tạo nâng cao độ phì của đất và cung cấp dinh dưỡng trung, vi lượng đặc biệt canxi trong chất điều hòa pH tăng cường sự tạo nhân lạc, lạc chắc hơn, tăng năng suất và chất lượng lạc.
Lượng dùng: Căn cứ vào pH đất để sử dụng lượng phù hợp:
4. Mật độ và khoảng cách: Tuỳ vào từng giống, từng loại đất và mức độ thâm canh cụ thể:
- Luống rộng 75 - 80 cm (cả rãnh), sau khi lên luống hoàn chỉnh đảm bảo luống cao 20 - 25 cm và mặt luống rộng 45 - 50 cm, gieo 2 hàng dọc theo chiều dài luống. Khoảng cách hốc cách hốc 10 cm gieo 1hạt/hốc, hoặc khoảng cách hốc cách hốc 18 - 20 cm gieo 2 hạt/hốc.
- Luống rộng 1,3m (cả rãnh), sau khi lên luống hoàn chỉnh đảm bảo mặt luống rộng 1,0m được gieo thành 4 hàng dọc theo chiều dài luống. Khoảng cách hàng cách hàng 25 cm và hốc cách hốc 10 cm gieo 1 hạt/hốc, hoặc khoảng cách hốc cách hốc 18 - 20 cm gieo 2 hạt/hốc.
Với mật độ như trên lượng giống cần cho 1 sào 500m2 từ 7-10kg lạc vỏ.
5. Gieo trồng lạc và bón phân cho lạc
Lượng dinh dưỡng nguyên chất bón cho 1 ha lạc dao động: 25-40 kg N, 50-80 kg P2O5, 60-90 kg K2O.
5.1. Đối với lạc không che phủ nilon:
- Bón lót: Dùng Dinh dưỡng cây trồng Tiến nông chuyên Lạc, với lượng dùng: 25-30kg/sào 500m2
Cách bón: đánh rãnh hoặc hốc, bón Dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông chuyên lạc, lấp đất nhẹ.
Cách gieo: Gieo hạt vào rãnh hoặc hốc sau đó lấp hạt. Không để hạt tiếp xúc với Dinh dưỡng.
- Bón thúc và xới xáo
Lần 1: Khi cây có 3- 4 lá thật (sau mọc 10- 12 ngày).
Dùng Dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông chuyên lạc, với lượng dùng: 20-25kg/sào 500m2. Kết hợp xới nhẹ, làm cỏ (không vun đất vào gốc và xới xáo sát gốc để cây phân cành cấp 1).
Lần 2: Khi cây có 7- 8 lá thật (sau mọc 30- 35 ngày), xới giữa hàng tạo cho đất tơi xốp, thoáng khí.
- Tưới nước: Cần đảm bảo đủ nước cho cây ở các thời kỳ: Cây con, ra hoa tạo quả. Có biện pháp tháo nước nhanh khi gặp úng.
5.2. Đối với lạc che phủ nilon:
Sau khi lên luống rồi rạch hàng. Bón lót Dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông chuyên lạc, với lượng dùng: 40-50kg/sào 500m2 vào hàng đã rạch rồi lấp đất lên phân.
- Vụ xuân:
Bước 1: Gieo và lấp hạt rồi san phẳng mặt luống.
Bước 2: Dùng thuốc trừ cỏ Ronstar 25EC, hoặc Dual 720 EC/ND phun lên mặt luống (nếu đất khô phải tưới đủ ẩm mới phun thuốc trừ cỏ).
Bước 3: Dùng cuốc gạt nhẹ đất ở bên mép luống về phía rãnh.
Bước 4: Phủ nilon, căng phẳng trên mặt luống, sau đó vét đất ở rãnh ập vào 2 bên mép luống để cố định nilon.
Bước 5: Dùng dụng cụ đục lỗ nilon (đường kính 5- 6cm) ngay sau khi mầm nhú ra khỏi mặt đất để cây trồi ra ngoài nilon (tránh chạm vào cây)
Vụ thu đông:
Bước 1: Dùng thuốc trừ cỏ Ronstar 25EC hoặc Dual 720 EC/ND phun lên mặt luống (nếu đất khô phải tưới đủ ẩm mới phun thuốc trừ cỏ).
Bước 2: Dùng cuốc gạt nhẹ đất ở bên mép luống về phía rãnh.
Bước 3: Phủ nilon, căng phẳng trên mặt luống, sau đó vét đất ở rãnh ập vào 2 bên mép luống để cố định nilon.
Bước 4: Dùng dụng cụ đục lỗ nilon đục theo mật độ đã hướng dẫn.
Bước 5: Gieo hạt vào lỗ đã đục rồi lấp hạt.
6. Sâu bệnh hại lạc và cách phòng trừ
6.1. Nhóm sâu ăn lá: sâu khoang, sâu xám, sâu cuốn lá, sâu xanh.
- Sâu xám chủ yếu gây hại giai đoạn cây con (cắn đứt ngang gốc cây con) làm mất mật độ ban đầu. Các loại sâu khác gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lạc.
- Mật độ ít: Bắt thủ công, khi mật độ cao nên dùng thuốc hoá học để xử lý theo liều lượng khuyến cáo: Regent 800WP hoặc BESTOX 5 EC...
6.2. Nhóm chích hút
- Nhóm này chủ yếu là rệp và rầy phá hoại bộ lá.
- Có thể dùng các loại thuốc sau: Bassa 50EC; Aplan 10%; Conpidor 100SL
6.3. Sùng đất.
- Phá hoại từ khi lạc gieo xuống cho đến khi lạc ra hoa.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh đồng ruộng, bón vôi khi cày bừa làm đất.
+ Không bón phân chuồng tươi cho ruộng lạc.
+ Thuốc hoá học: Basudin bỏ vào đất khi lên luốngvà đảo đều. Số lượng 4 - 5kg/ha
6.4. Bệnh hại lạc
- Bệnh lỡ cổ rễ:
+ Bệnh phát triển do nấm ở thời kỳ cây con trong điều kiện mưa nhiều ướt đất, độ ẩm cao. Lạc bị nấm phá hoại ở phần cổ rễ, rễ, gốc phần sát mặt đất.
Biện pháp phòng trừ:
+ Bố trí lạc trên đất cao, thoát nước tốt, bón Chất điều hòa pH đất Tiến Nông (hoặc vôi bột), tranh thủ xới xáo làm thoáng đất.
+ Dùng thuốc hoá học: Rovral 50wp; Ridomil theo khuyến cáo.
- Bệnh héo xanh vi khuẩn.
+ Bệnh này do vi khuẩn gây hại. Thời kỳ gây hại từ khi lạc bắt đầu ra hoa trở về sau. Trong điều kiện lạc phát triển rậm rạp, trời có mưa nắng xen kẽ độ ẩm trong đất cao, nhiệt độ không khí ở mức ± 35oC thì bệnh thường xuất hiện và phá hoại.
Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác là chủ yếu:
+ Luân canh cây trồng khác.
+ Vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất.
+ Bón chất điều hòa pH đất Tiến Nông (hoặc vôi bột) khi cày bừa làm đất.
+ Vùng trũng nên lên luống cao, thoát nước nhanh, thường xuyên xới xáo cho đất khô thoáng.
+ Không được dùng phân tươi bón, gieo lạc đúng mật độ, đúng thời vụ, xử lý hạt giống (trong trường hợp thời tiết không thuận lợi), dùng giống kháng bệnh.
7. Thu hoạch và bảo quản:
- Cần kiểm tra độ chín để thu hoạch kịp thời, tránh lạc nảy mầm trên đồng ruộng.
- Lạc thương phẩm thu hoạch khi quả già chiếm khoảng 80 – 85% tổng số quả trên cây.
- Lạc giống thu hoạch sớm hơn lạc thương phẩm 5 – 7 ngày.
- Chọn ngày nắng để thu hoạch, sau khi nhổ, vặt quả, rửa sạch, phơi trên sân hoặc nong, nia, cót dưới nắng nhẹ đến khi thấy vỏ lụa tróc ra là đủ tiêu chuẩn bảo quản. Sau khi phơi để nguội rồi cho vào bao nilon hoặc chum, vại đậy kín, bảo quản nơi khô, mát.
Mọi thắc mắc liên hệ về: Trung tâm NCPT KH&CN Tiến Nông. Điện thoại: 0373.936.666.