Sâu bệnh hại chè

MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI CHÈ

BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VÀ PHÒNG TRỪ

A. SÂU HẠI

1. Rầy xanh: Tên khoa học: Empoasca flavescens

1.1. Đặc tính sinh học:

- Trưởng thành: dài 2 - 4mm, màu xanh lá cây hay màu xanh lá mạ. Cánh màu xanh trong suốt. Trưởng thành có thể sống từ 14 - 21 ngày. Mỗi con rầy cái suốt đời sống đẻ trung bình 30 trứng (nhiều nhất 150 trứng).

- Trứng: trứng cong hình chuối, màu trắng sữa, dài 0.8mm. Trứng được đẻ trong mô tế bào của búp hay gân chính của lá. Mỗi búp chè có từ 1 - 8 trứng.

- Rầy non: có 5 tuổi, tuy chưa có cánh nhưng gần giống trưởng thành. Rầy mới nở màu trắng trong suốt, nhỏ như hạt cám. Rầy càng lớn chuyển dần sang màu xanh. Cuối tuổi 5 cơ thể dài 2mm. Thời gian phát triển rầy non từ 7 - 14 ngày tùy điều kiện thời tiết.

Vòng đời của rầy xanh:

- Vòng đời rầy xanh tổng cộng từ 12 – 30 ngày (tùy nhiệt độ môi trường). Thời gian trứng khoảng 5 – 8 ngày, rầy non khoảng 7 – 16 ngày tùy nhiệt độ trong năm (xuân: 9 – 12 ngày, thu: 7 – 8 ngày, đông: 14 – 16 ngày).

- Mỗi năm rầy có thể phát sinh khoảng 10 – 14 lứa.

1.2. Tác hại của rầy:

- Cả rầy non và rầy trưởng thành tập trung ở phần búp lá non hút nhựa dọc gân lá khiến lá biến dạng cong queo, trên có các đốm nhỏ vàng. Ít nghiêm trọng hơn thì lá chè có màu tía. Nếu nặng lá ngắn hơn và khô nhất là trong điều kiện nắng  nóng lá bị khô từ đầu đến tận nách lá. Thiệt hại do rầy không chỉ bởi hút hết nhựa cây mà còn gây tổn thương tế bào khiến cây chậm lớn, còi cọc, giảm năng suất và chất lượng chè.

- Rầy xanh là loại côn trùng gây hại lớn cho chè ở nước ta. Với chè mới trồng, đặc biệt chè dưới 4 – 5 tháng tuổi rầy xanh có thể gây khô búp, cây sinh trưởng chậm, còi cọc thậm chí có thể làm chết cây. Với cây chè lớn hơn (thời kỳ định hình tạo tán) ít thiệt hại hơn.

1.3. Điều kiện phát sinh:

- Rầy thích hợp phát triển trong điều kiện râm mát, ẩm độ không khí cao. Tại Lâm Đồng rầy phát sinh và gây hại nhiều trong khoảng từ tháng 5 – 12.

- Rầy trưởng thành và rầy non không thích ánh sáng mặt trời nên ban ngày ẩn nấp mặt dưới lá chè, rầy thường di chuyển ngang, thấy động nhảy khỏi nơi đậu.

1.4. Quản lý tổng hợp:

a. Biện pháp  canh tác:

Chăm sóc cây khỏe (trồng mật độ vừa phải, bón phân cân đối…) giữ ruộng sạch cỏ, tránh trồng xen hoặc xung quanh ruộng các cây ký chủ của rầy xanh.

Đốn, hái chè đúng kỹ thuật, đúng thời điểm tránh búp chè ra đúng thời điểm rầy rộ. Thu hái búp chè khi rầy rộ để hạn chế trứng rầy.

b. Sử dụng thuốc:

Chỉ được phép sử dụng thuốc có trong danh mục, hạn chế sử dụng thuốc có phổ tác động rộng nhằm hạn chế tác hại cho thiên địch. Phát hiện kịp thời sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.

Sử dụng 1 trong các loại thuốc sau Abamectin (Abatox 3.6EC; Plutel  0.9 EC; Shertin 5.0EC); Abamectin 1% + Acetamiprid 3% (Acelant 4EC); Abamectin 17.5g/l + Alpha-cypermethrin0.5g/l  (Shepatin 18EC); Abamectin 17.5g/l + Chlorfluazuron 0.5g/l (Confitin 18EC); Abamectin 35g/l  + Emamectin benzoate 1g/l; (Sieufatoc 36EC); Thiamethoxam (Actara 25WP),  Imidacloprid  (Midan 10WP), phun trực tiếp vào búp chè khi rầy rộ.

2. Bọ xít muỗi:  (Helopetis theivora)

2.1. Tập tính sinh hoạt:

- Trưởng thành: cơ thể thon dài (5 - 10mm), râu màu nâu, mảnh dài quá thân. BXM đực nhỏ hơn khoảng 4mm. Toàn thân có màu nâu xanh, lưng nâu vàng. Đầu có màu nâu, có các vệt vàng rộng, phía trên có vệt nhỏ hơn. Mắt có màu nâu đen. Cả con đực và con cái trông giống như muỗi nên gọi là BXM. Trưởng thành sống trung bình khoàng 20 ngày.

- Khoảng 2-6 ngày sau vũ hóa BXM có thể giao phối và 1- 3 ngày sau đẻ trứng. Mỗi trưởng thành cái có thể đẻ từ 12 – 72 trứng (trung bình 50 – 60 trứng). Trứng đẻ từng quả hay thành cụm 2 – 3 trứng, trứng hình ô van trắng trong, cuối có 2 sợi lông dài. Trứng được gim sâu vào mô lá rải rác hay thành cụm trên đọt non. Thời gian trứng từ 5 – 10 ngày.

- Ấu trùng: có 5 tuổi, nhỏ ốm ( trông tựa như kiến), màu sắc từ màu đồng hoặc da cam tới xanh. Ấu trùng thường tập trung 2 – 3 cá thể ở búp chè hay lá non cạnh búp chè. Ấu trùng tuổi lớn hơn thường có màu xanh vàng. Ấu trùng di chuyển, tự vệ bằng rời khỏi cây khi thấy động (Thời gian ấu trùng 9 – 10 ngày).

2.2. Triệu chứng tác hại:

- Trưởng thành và  ấu trùng của BXM gây hại do hút nhựa cây ở những phần non (búp, lá và cành non): vết chích của BXM làm thành các vết sậm màu sau đó chuyển màu đen. Trưởng thành gây nên vết chích lớn và thưa, ngược lại ấu trùng vết chích nhỏ và dày hơn. Búp và lá chè non bị mất nhựa và biến dạng cong queo, khô và đen làm ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất trà.

- Thiệt hại nghiêm trọng nhất của BXM là làm lá chuyển từ màu xanh tối và cây còi cọc. Thường ban đầu BXM phát sinh chỉ với diện tích nhỏ, sau đó lan rộng khắp ruộng khiến ruộng trông giống hiện tượng da beo

- Do sức ăn mạnh nên BXM gây thiệt hại lớn cho chè (BXM non tuy nhỏ song do sống tập trung ở ngọn ít di chuyển nên gây thiệt hại lớn hơn trưởng thành).

2.3. Điều kiện phát triển:

- BXM phát triển thích hợp ở nhiệt độ 25 – 28oC, ẩm độ > 90%. Thời gian hoạt động trong ngày tùy điều kiện thời tiết: nến trời lạnh BXM hoạt động nhiều, trong những ngày nắng ấm, ít hoạt động vào sáng sớm hay chiều tối hoặc sau mưa. Nếu trời ấm thì ngược lại, BXM hoạt động nhiều vào lúc sáng sớm, chiều tối và sau cơn mua hoặc khi trời âm u nhiều mây. Ở thời điểm nóng nhất trong ngày BXM thường ẩn dưới lá.

- Ở các tỉnh phía Nam BXM có quanh năm nhưng nhiều vào các tháng mùa mưa từ tháng 5 – 11 khi trời mát, ẩm độ cao và nhất là khi chè ra các búp non. Sau mưa BXM phá hại mạnh, tuy nhiên nếu mưa lớn cũng hạn chế sự phát triển của BXM.

2.4. Quản lý tổng hợp bọ xít muỗi:

- Trồng giống chè kháng hay ít nhiễm BXM

- Mật độ trồng vừa phải, tỉa hình tạo tán chè theo tiêu chuẩn kỹ thuật

- Vệ sinh đồng ruộng: làm sạch cỏ dại trong ruộng và bờ lô, bụi rậm quanh ruộng nhằm hạn chế nơi cư trú của BXM.

- Thiên địch của BXM gồm các loại nhện ăn thịt, chuồn chuồn kim, ong ký sinh và kiến (có thể ăn cả trưởng thành và sâu non). Ngoài ra có các loại thường thấy như bọ rùa, hổ trùng cũng có thể ăn BX non

- Xiết chặt lứa hái, hái kỹ các búp chè bị hại (chứa trứng và sâu non) nhằn hạn sự phát triển của BXM.

- Điều tra thường xuyên để phát hiện sớm sâu còn phát sinh ở diện tích hẹp và lúc sâu mới rộ để tiến hành phun thuốc hóa học như Imidacloprid (Midan 10WP); Oxymatrine (Vimatrine 0.6 L); Thiamethoxam (Actara 25WG, Tata 25WG); Citrus oil (MAP Green 10AS), Abemectin (Javatin 36EC); Abamectin 17.5g/l + Chlorfluazuron 0.5g/l (Confitin 18 EC); Abamectin 35g/l  + Emamectin benzoate 1g/l (Sieufatoc 36EC); Acetamiprid (Actatoc 150 EC); Azadirachtin (Vinaneem 2SL, Vineem  1500EC) BT (Dipel 6.4DF); Beta - Cyfluthrin  (Bulldock 025EC) nhằm ngăn chặn kịp thời. Nếu phun trễ BXM đã phá hại trên diên rộng hay đang giai đoạn trưởng thành thì hiệu quả sẽ kém.

3. Nhện hại chè:

Trên cây chè có khá nhiều loại nhện hại:Nhện đỏ nâu, Nhện đỏ tươi, Nhện vàng, Nhện sọc trắng, Nhện hồng. Trong các loài trên gây hại nguy hiểm cho chè là loại nhện đỏ nâu, nhện đỏ tươi và nhện sọc trắng.

3.1.Triệu chứng gây hại:

- Tuy chè có nhiều loài nhện hại nhưng ở VN nhện đỏ là loại nguy hiểm nhất, các loại nhện khác gây hại ở nhiều nước nhưng ít gây hại ở nước ta trừ các giống chè nhập nội.

- Nhện hút nhựa lá khiến lá đổi màu, biến dạng và khô. Nhện thường tập trung ở gân lá.

- Nhện là loài rất nhỏ bé nên bằng mắt thường khó xác định tên chính xác, người ta thường căn cứ vào đặc điểm và triệu chứng hại của mỗi loại đối với chè để xác định tên một cách tương đối.

3.2. Tác hại của nhện đối với chè.

Nhện đỏ nâu: thường hại lá bánh tẻ và lá già nhưng phát triển nhiều nên là loài gây hại nhiều nhất cho chè. Nhện hút nhựa gây rụng lá chè già ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây. Khi bị hại nặng búp chè bị rụng dẫn đến việc giảm năng suất chè, nếu bị hại trong thời gian dài gây thiệt hại nặng.

-Nhện đỏ tươi: gây thiệt hại tương tự nhện đỏ, nhưng vì nó sinh sản chậm hơn nên ít gây bùng nổ thành dịch.

- Nhện vàng: tấn công chồi non mới nhú gây hại trực tiếp và tức thời ảnh hưởng đến năng suất chè. Nhện thường phá hại chè tái sinh sau khi thu hoạch. Sự tấn công có thể đột ngột nhưng phải mất thời gian dài chè mới hồi phục.

- Nhện tía: được xem như loài nhện gây hại ít nhất cho chè song cũng cần nghiên cứu thêm vì nó quá nhỏ bé nên thường ít được quan tâm.

3.3. Điều kiện phát triển:

- Sự phát triển của nhện đỏ nâu chịu ảnh hưởng của nhiệt độ và ẩm độ. Điều kiện thích hợp cho nhện phát triển ở nhiệt độ 20 – 30oC và ẩm độ tương đối 49 – 94%. Với điều kiện này nhện sinh sản 22lứa/năm. Hầu hết trứng chết ở nhiệt độ 37oC và ẩm độ 72 – 77% hoặc 90 – 94% trong vòng 6 giờ.Trứng không nở ở nhiệt độ 34oC và ẩm độ 17%. Nhìn chung thời tiết khô hạn thích hợp cho nhện phát triển.

Thiên địch của nhện:

- Một vài loài thiên địch được xem quan trọng với nhện hại:

Nhện ăn thịt: nhện lớn, nhanh nhẹn có tiềm năng lớn như Phytoseiulus, Amblyseius…

Bọ rùa đen nhỏ: như Sticholotis panctata. Các loại bọ rùa này lớn hơn nhện đỏ 2 lần nên nhìn được bằng mắt thường.

3.4. Quản lý tổng hợp nhện hại chè

Việc quản lý nhện hiện nay gặp nhiều khó khăn vì thứ nhất là do nhện có vòng đời cực ngắn nên chỉ cần một thời gian ngắn phát sinh đã có thể thành dịch; thứ hai là do nhện dễ kháng thuốc nên hiệu quả sử dụng thuốc thường không cao. Hơn nữa thực tế cho thấy nhiều loài nhện xuất hiện cùng nơi, cùng lúc nhưng mỗi loại đòi hỏi phương pháp phòng trừ khác nhau. Vì vậy cần thiết áp dụng quản lý tổng hợp nhện mới có thể hạn chế thiệt hại của nhện tốt nhất.

Phòng ngừa:

- Chăm sóc cây khỏe, sử dụng cây che bóng, phủ đất nhằm tăng độ ẩm trong ruộng góp nhần hạn chế nhện. Phun nuớc lên cây khi rầy rộ nhằm giảm quần thể nhện.

- Cân nhắc lịch thu hoạch hạn chế nhện vàng, khi hái chè phải cẩn thận tránh “truyền” nhện từ chỗ này sang chỗ khác.

-  Hạn chế cây ký chủ phụ của nhện trong vườn chè như họ hoa hồng, dâm bụt, cúc, chuới, phong lan, đu đủ.

Biện pháp hóa học:

- Bảo vệ thiên địch của nhện: chỉ dùng thuồc khi cần thiết. Không dùng thuốc phổ rộng, thuốc họ cúc. Lưu ý ngay cả khi sử dụng thuốc trừ bệnh gốc đồng cũng có thể làm tăng sự phá hại của nhện.

- Thăm đồng và điều tra thường xuyên, phát hiện kịp thời để phun thuốc Emamectin benzoate: (Actimax 50WDG, Angun 5WDG, Dylan 2EC, Emaben 3.6EC), Abamectin (Silsau 10WP, Shertin 3.6EC, Tungatin1.8 EC), Abamectin 1% + Acetamiprid 3% (Acelant 4EC); Abamectin 50 g/l + Matrine 5 g/l: (Amara 55 EC), Pyridaben (Bipimai 150EC, Dandy 15 EC)  để phòng trừ.

4. Bọ trĩ

4.1. Tập quán sinh sống:

- Ấu trùng trông giống trưởng thành nhưng không có cánh. Có hai giai đoạn ấu trùng hoạt động gây hại bằng hút nhựa cây. Giai đoạn tiền nhộng ít hoạt động và không ăn uống.

- Giai đoạn tiền nhộng có thể xác định bởi mầm râu hướng phía sau và có 2 mầm cánh nhỏ. Tiền nhộng rơi xuống đất, khe cây hay tầng lá duới lột xác thành nhộng. Nhộng có mầm cánh lớn trừ khi bị động và ngưng ăn.

- Trưởng thành: nhỏ cỡ 0.5 – 1.2mm, khó nhìn bằng mắt thường. Màu sắc từ nâu đỏ lợt hay sận tới vàng xanh lợt. Nhiều bọ trĩ không có cánh hay nếu có cánh thì nhỏ, trong suốt và có các lông tơ mảnh. Bọ trĩ di chuyển chậm chạp mặc dù chúng có thể bay từ cây này đến cây khác. Trưởng thành sống từ 5 – 19 ngày.

- Trứng: rất nhỏ khó quan sát bằng mắt thường. Trứng được dính sâu trong gân lá thường ở các gân thứ cấp.

- Bọ trĩ thưởng thành và ấu trùng thường lẩn trốn ánh sáng, tập trung trong búp chè, trong hoa hoặc ẩn mặt dưới lá non.

- Vòng đời của bọ trĩ tùy thuộc nhiệt độ cao hay thấp, trong đó thời gian trứng khoảng 8-16 ngày, ấu trùng 8-16ngày, tiền nhộng 1-4 ngày và nhộng 4-7 ngày. Như vậy theo nghiên cứu vòng đời của bọ trĩ khoảng 21-42 ngày.

4.2. Triệu chứng gây hại:

Chè bị bọ trĩ gây hại toàn bộ lá non trở nên sần sùi, cứng giòn, hai mép lá và chóp lá cong lên, cọng búp có những vết nứt ngang màu xám, nông dân gọi là “chè ghẻ” thậm chí cây chè rụng hết lá, chè con còi cọc không phát triển được.

Ngay cả với mật số thấp của bọ trĩ ở búp càng non cũng gây giảm phẩm chất chè bởi: Khô búp sẽ làm giòn hơn, dễ gãy cành; Sau khi chế biến chè có vị đắng; Nước chè vàng hơn không có màu xanh cần có.

a. Hút nhựa khi búp chè chưa mở: ngay sau khi nở ấu trùng hút nhựa ở các búp chè chưa mở khiến búp nhỏ đi, khô giòn, dễ vỡ hay rụng; sau này để lại 2 vệt nâu hay sẹo chạy dọc song song với gân chính. Cần thận trọng vì hiện tượng gần giống nhện vàng hại tuy nhiên bọ trĩ không gây cho lá bị quăn queo như nhện.

b. Hút nhựa ở lá non đã mở: để lại các vết chích thành vệt nhạt dưới mặt l(vệt chích này song song với gân chính của lá). Các lá bị hại có nhiều chấm nhỏ lợt thường gọi “bạc lá”. Mặt dưới lá có nhều các hạt đen nhỏ ly ty đó là phân bọ trĩ. Sau khi bị hại lá trở nên dày cứng hơn bình thường, màu xanh đục tối có thể nhăn nheo hay biến dạng.

c. Hại ở cành non:bọ trĩ cũng hại ở cành non nhưng chỉ gần chồi gây vết nhám trên bề mặt càng.

4.3. Điều kiện phát triển:

- Bọ trĩ thường phát triển ở những nương chè già, cằn cỗi ít phân chuồng và khô hạn bị cỏ dại lấn át và không có cây che bóng.

- Bọ trĩ thường phát sinh nhiều ở điều kiện khô và nóng, chúng thích hợp phát triển ở điều kiện nhiệt độ 27-33oC.

4.4. Thiên địch của bọ trĩ:

Bọ rùa đen nhỏ, kiến, nhện lưới đều là thiên địch của bọ trĩ.

4.5. Quản lý tổng hợp bọ trĩ hại chè

- Phòng ngừa: chăm sóc cây khỏe, bón phân, tưới tiêu, trừ cỏ... đúng yêu cầu kỹ thuật. Thu hái đúng lúc ngắt bỏ trứng và bọ trĩ. Sử dụng cây che mát, tuới phun mưa trực tiếp vào búp chè khi bọ trĩ rộ có thể giảm đáng kể tác hại của bọ trĩ. Hàng năm cần xới xáo, thu gom tàn dư và vun kín gốc chè để diệt nhộng. Bảo vệ thiên địch, chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết, hạn chế sử dụng thuốc phổ rộng.

- Biện pháp hóa học: Thường xuyên điều tra đồng ruộng và dực trên hệ sinh thái nhằm phát hiện sớm trước khi bọ trĩ đạt mật số gây hại kinh tế cần tiến hành phun thuốc diệt trừ. Có thể sử dụng thuốc Emamectin benzoate (Emaben 0.2EC, Golnitor 10EC, Hoatox 0.5ME, Agbamex 1.8EC, Abagro 4.0EC), Matrine (Agri-one 1SL, Sokupi 0.36AS), để phòng trừ bọ trĩ.

5. Sâu cuốn lá:

5.1. Triệu chứng gây hại:

Lúc đầu sâu non nằm dưới biểu bì lá gặm chất xanh của lá, sau đó sâu non bò ra ngoài cuốn chóp lá làm tổ và ăn khuyết lá. Sâu phá hại trên lá và búp non, lá bị hại phát triển chậm, phẩm chất chè kém.

5.2. Đặc điểm hình thái và quy luật phát sinh, phát triển:

Sâu trưởng thành cánh nhỏ giống hình chữ nhật rìa cánh có lông dài, cánh trước màu nâu có một vùng hình tam giác màu vàng, thân dài 5-7 mm, cánh dài 10-12 mm. Bướm đẻ trứng ở mặt dưới của lá hay bìa lá, sâu non nở ra chui vào lớp biểu bì lá. Sau 5-6 ngày sâu di chuyển đến gần mép lá và cuốn thành tổ nhỏ để ẩn nấp, gặm phần chất xanh hoặc ăn khuyết lá chè. Sâu phát triển mạnh từ tháng 3-5, mỗi năm có từ 4-6 lứa. Vòng đời của sâu: Trứng từ 4 –6 ngày; Sâu non từ 12 –14 ngày; Nhộng từ 10 –12 ngày; Trưởng thành từ 7-8 ngày.

5.3. Biện pháp phòng trừ:

- Hái chè đúng lứa, hái sạch búp bị sâu cuốn.

  - Làm cỏ bón phân kịp thời, hợp lý, thường xuyên tạo cho vườn chè thông thoáng .

- Biện pháp hóa học: Có thể dùng thuốc: Citrus oil (MAP Green 3AS) phun kỹ lên tán chè.

6. Tuyến trùng:

6.1. Triệu chứng gây hại:

Khi mới chớm bị hại búp nhỏ. Sau đó lá chuyển vàng mất diệp lục giống như thiếu dinh dưỡng, búp mù nhiều, búp dai khó hái. Khi bệnh nặng búp mù nhiều và nhỏ, lá vàng héo rũ rụng nhanh. Nhổ cây lên thấy rễ cây sần sùi, nứt, bị thâm đen.

6.2. Biện pháp phòng trừ:

Trước khi trồng cần cày đất kỹ, phơi ải đất, nhặt sạch gốc rễ cây bệnh có tác dụng ngăn chặn tuyến trùng từ đầu. Khi phát hiện thấy chè bị hại cần đào rãnh cô lập tuyến trùng tránh lây lan ra diện rộng. Kết hợp xử lý nhiệt xung quanh vùng rễ cây bị hại.

Những cây bị bệnh cần đốt tiêu hủy. Có thể xua đuổi tuyến trùng bằng cách trồng ngải cứu, sục sạt, cúc vạn thọ.

Có thể dùng thuốc hóa học như Chitosan (Stop 5 DD), Cytokinin (Etobon 0.56SL, Geno 2005 2 SL ) để phòng trừ

7. Mọt đục cành

7.1. Đặc điểm hình thái và triệu chứng gây hại.

Mọt đục lỗ để chui vào cành chè sinh sống, mọt trưởng thành đục ngoằn ngoèo trong cành chè và thải bột gỗ ra ngoài. Những cành bị mọt hại khô héo dần dễ gẫy.            

-  Sâu non màu trắng đục.

- Trưởng thành có mỏ ngắn, thân màu đen dài 1-1,7mm, chiều rộng 0,5-1,2mm. Con cái màu đen bóng, con đực màu nâu nhạt. Trung bình 1 con cái đẻ từ 30-50 trứng. Vòng đời của mọt 30-35 ngày.

Mọt gây hại quanh năm, chủ yếu trong mùa khô trên các giống chè cành. Đối với chè cành năm thứ nhất đến năm thứ 2 mọt đục lỗ gây hại từ gốc lên cành cấp 1, cấp 2. Mọt hại trên nhiều giống chè, trong đó giống PH1, TB 14 mọt hại mạnh hơn.

7.2. Biện pháp phòng trừ:

Khi mọt mới gây hại có thể cắt bỏ cành bị đục, kết hợp bón phân, chăm sóc để chè phát triển. Thu gom những cành cây bị mọt đục đem tiêu hủy.

Dùng thuốc hóa học: Bacillus thuringiensis  var. aizawai  32000IU (16000 IU) + Beauveria bassiana 1 x 10 7 bào tử/g + Nosema sp  (Cộng hợp 16BTN) phun kỹ lên tán chè, kết hợp tưới thuốc vào gốc.

8. Bọ hung nâu:

8.1. Triệu chứng gây hại và đặc điểm hình thái:

- Bọ hung nâu gây hại bộ phận lá non và búp chè ăn phần lá chỉ còn gân lá làm cho lá chè bị khô quăn sau đó rụng. Những lá ra sau tiếp tục bị hại và không phát triển được.

- Bọ hung nâu gây hại nặng làm cây chè ngừng sinh trưởng từ 2-3 tháng, chè chuyển sang màu nâu và xanh đậm.

- Bọ hung nâu là loại côn trùng cánh cứng, có hình bán cầu thân dài từ 3-5mm, rộng từ 2,5-3,5mm,có màu xám cánh dán.

- Vòng đời của bọ hung nâu khoảng 1 năm. Các pha phát dục: Trứng, sâu non, đều nằm trong đất chỉ có trưởng thành gây hại.

Bọ hung nâu thường gây hại trên chè KTCB, chè mới đốn. Chúng gây hại vào đầu mùa mưa chủ yếu tháng 4-6. Ban ngày chui xuống dưới đất năm quanh tán chè, ban đêm lên cây gây hại tập trung từ 18-21 giờ.

8.2. Biện pháp phòng trừ:

Do bọ hung nâu nằm dưới đất nên việc phòng trừ  phức tạp. Vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp:

Trồng cây phân xanh giữa 2 hàng chè, đối với chè KTCB, xác định thời kỳ đốn thích hợp.

Dùng thuốc hóa học xử lý đất  như : Metarhizium anisopliae var. anisopliae M1 & M3 109 - 1010 bào tử/g (Metament 90 DP)

B. BỆNH HẠI CHÈ

1. Bệnh phồng lá chè.

1.1. Tác hại: Bệnh gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến cây chè.

- Gây chết cành non, lá non.

- Cây chè bị bệnh hồi phục chậm, sau khi bị nhiễm bệnh 2 tháng vẫn có thể không thu hoạch được.

- Búp chè bị bệnh có màu đen không chỉ làm giảm năng suất mà còn ảnh hưởng nghiêm rọng đến phẩm chất (thường có vị đắng không đúng phẩm chất cần thiết).

1.2. Triệu chứng gây hại:

- Bệnh thường phát sinh ở các bộ phận non của cây (lá non, lá bánh tẻ, cành non và quả non).

- Ban đầu vết bệnh là các đốm nhỏ màu da cam hoặc đỏ lợt trong suốt, vết bệnh bóng lên bất thường. Sau đó vết bệnh lớn dần, mặt trên lõm xuống, mặt dưới phồng lên, trên vết bệnh phủ một lớp phấn màu trắng. Cuối cùng vết bệnh chuyển sang màu nâu,vết phồng khô xẹp xuống.

- Rìa vết bệnh chuyển thành màu xám, sau đó chuyển màu trắng.

- Khi vết bệnh rộp vỡ sẽ phóng thích bào tử, bào tử bệnh nhờ gió, mưa lan truyền sang các cây chè khác.

- Bào tử rơi vào lá khi ẩm độ không khí cao (lá ướt hoặc sương) sẽ nảy mầm, khuẩn ty bám sâu vào trong lá và phát triển thành đám, 3-4 ngày sau khi xâm nhiễm sẽ thể hiện trịệu chứng bệnh. Sau 7-10 ngày tiếp tục chu trình lây lan mới.

1.3. Điều kiện phát triển:

- Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện mát, nhiệt độ trung bình 15-20oC và ẩm độ >85%. Nhiệt độ <11oC hay >25oC nấm ngừng phát triển.

Bệnh thường phát sinh nhiều ở những vùng có độ cao từ 600-700m so với mặt biển vì những vùng này có nhiệt độ thấp, cường độ ánh sáng yếu, số giờ chiếu sáng thấp.

1.4. Quản lý tổng hợp:            

a. Biện pháp canh tác:

- Thường xuyên làm cỏ và vệ sinh vườn chè, không đốn tỉa quá sớm vì cành non rất dễ nhiễm bệnh. Thiết kế vườn chè với mật độ cây hợp lý giúp vườn chè thông thoáng và hạn chế ẩm độ trong vườn. Nếu cây che bóng quá rợp có thể giảm bớt bóng rợp.

- Bón phân cân đối, tránh sử dụng quá nhiều đạm, bón đúng nhu cầu của cây

- Khi bệnh xuất hiện tiến hành tỉa các lá và búp chè bị bệnh, hạn chế sự lây lan (đốt tất cả các tàn dư cây bệnh).

- Nên trồng các giống chè Shan kháng bệnh.

b. Sử dụng thuốc hóa học:

- Khi bệnh xuất hiện nhiều cần thường xuyên điều tra các cành non, búp chè và dựa trên những kinh nghiệm về thời tiết để quyết định việc phun thuốc.

- Có thể sử dụng một trong các loại thuốc như Chitosan (Olisan 10DD); Cucuminoid 5% + Gingerol 0.5% (Stifano 5.5SL); Flusilazole (DuPontTM Nustar®                      20DF); Imibenconazole (Manage 5 WP); Ningnanmycin (Diboxylin 8SL) có thể phun liên tiếp 2 lần cách nhau 5-10 ngày đến khi thấy có thể khống chế được bệnh. Có thể chọn các thuốc gốc đồng nhưng lưu ý thuốc này có thể là điều kiện làm gia tăng mật độ nhện hại.

2. Bệnh thối búp chè (do nấm Colletotrichum thaee sinensis)

2.1.Triệu chứng tác hại:

- Bào tử nấm không màu hình hạt đậu được sinh ra từ vết bệnh lan truyền theo gió đến các búp chè khác. Bào tử nấm bám trên búp hay lá ướt, nảy mầm thành các tơ nấm trắng tấn công mô tế bào.

- Bệnh chủ yếu hại lá, cuống lá, búp non và cành non. Vết bệnh đầu tiên chỉ là các chấm nhỏ màu đen về sau phát triển nhanh và rộng (có thể rộng 2cm) khiến các lá non, cành non và búp chè trở nên có màu đen và rụng.

- Bệnh nặng có thể làm cho cây chè bị khô lá, rụng hết lá và búp không thể thu hoạch được. Khác với bệnh chết cành, bệnh không lan tới các cành già ở dưới mà bệnh thối búp thường dừng lại ở phần vỏ nâu của cành

2.2. Điều kiện phát triển:

Bệnh lan truyền nhờ gió, mưa, tàn dư cây bệnh. Bệnh thường gây hại nhiều trong các tháng mùa mưa từ tháng 5-10, ít gây hại trong mùa khô.

2.3. Quản lý tổng hợp:

- Biện pháp phòng ngừa:

+ Vệ sinh đồng ruộng  thu gom đốt tàn dư cây bệnh, lá già rụng trong vườn chè.

+ Trong vườn ươm, khi bệnh chớm xuất hiện có thể dùng kéo cắt và gom đốt những cành bệnh để hạn chế sự lây lan.

- Biện pháp sử dụng thuốc:

Để phòng trừ bệnh hiệu quả nên sử dụng một trong các thuốc như: Chitosan (Stop 15WP); Citrus oil (MAP Green 10 AS); Eugenol (Genol 0.3 DD; Lilacter 0.3 SL); Trichoderma viride (Biobus 1.00 WP); phun ngay khi bệnh chớm xuất hiện ở đầu mùa mưa.

3. Bệnh chết loang (Do nấm Rosellinia necatrix Berl)

3.1.Triệu chứng tác hại:

- Nấm bệnh tấn công vào rễ làm chết cây. Cây nhiễm bệnh héo rũ rồi chết, dần dần lan thành từng đám hình tròn. Phần rễ dưới đất bị mục nát, phần ngoài rễ có lớp tơ trắng mịn, giữa vỏ và rễ cây có sợi nấm màu nâu xám, hơi đen.

- Hệ sợi nấm phát triển và xuất hiện các quả thể đen hình cầu đường kính 1.5mm, trong chứa các bào tử hình ống. Bào tử có một tế bào nâu sẫm có kích thước rất nhỏ.

3.2. Điều kiện phát triển:

- Bệnh gây chết chủ yếu ở chè già với tốc độ lây lan nhanh (chết loang). Thời gian từ khi cây nhiễm bệnh đến chết từ 10-15 tháng.

- Hiện tượng chè chết hàng loạt thường xảy ra từ tháng 4-11 và thường xuất phát từ một điểm ban đầu.

3.3. Quản lý tổng hợp:

- Hàng năm nếu có điều kiện nên bón bổ sung lượng phân chuồng cho chè. Ở những vùng chè bị bệnh thường phát triển có thể bón phân chuồng cộng với Trichoderma hazianum có thể ngăn chặn bệnh tích cực.

- Trong trường hợp chè già bị bệnh tốt nhất nên đào gốc đem tiêu hủy để hạn chế nguồn lây nhiễm sang các cây khỏe. Chỗ gốc chè đã đào có thể xử lý bằng vôi bột hoặc phun các thuốc như trên để hạn chế mầm bệnh.

4. Bệnh tắc rễ:

4.1. Triệu chứng:

- Cây chuyển vàng. Cành khô, lá úa vàng, xuất hiện các sợi giống như sợi tóc trên thân, cành thường,  từ dưới đất lên. Cây chè chết từng chòm nếu bị bệnh nặng.

- Nấm gây bệnh Marasmius equicrinis, sợi nấm bện vào nhau tạo thành sợi đen, cứng như lông ngựa. Người ta gọi đó là bệnh tóc đen. Các sợi nấm này leo từ cành này sang cành khác và từ cây này sang cây khác.

4.2. Điều kiện phát sinh:

- Nấm gây bệnh phổ biến trong mùa mưa. Thời tiết nóng và ẩm thuận lợi cho bệnh phát triển.

- Xác hữu cơ chưa hoai mục thuận lợi cho bệnh phát triển.

4.3. Quản lý bệnh hại:

- Bón phân hữu cơ hoai mục.

- Tủ gốc trong mùa khô.

- Điều tra phát hiện sớm sự xuất hiện của bệnh để xác định thời gian phun thuốc kịp thời. Chú ý sử dụng các loại thuốc như đối với bệnh khô vằn trên ngô, lúa...

- Sử dụng nấm Trichoderma kết hợp với phân chuồng hoai mục

5. Bệnh khô cành (do Physalosphora neglecta Petch)

5.1. Triệu chứng gây hại:

- Thời kỳ đầu lá chè mất đi độ bóng, lá hơi cụp xuống, dần dần chuyển sang màu xanh nhạt, mất nước nghiêm trọng, sau cùng bộ lá chuyển sang màu nâu và khô nhưng vẫn lưu lại trên cây chè.

- Trên cành xuất hiện những vết bệnhn lõm xuống (loét cành). Nhiều vết sẹo liền lại với nhau tạo nên một vết màu nâu đen, rất cứng làm tắc mạch dẫn, gặp hạn cành chè sẽ bị chết khô từ phía trên vết sẹo này.

- Những cành không bị hại vẫn sinh truởng bình thường. Nếu toàn bộ số cành bị bệnh thì cây chè sẽ chết.

5.2. Điều kiện phát triển:

- Bệnh phát triển trên những vườn chè có độ cao dưới 500m. Bệnh thường phát sinh vào mùa hè, nhiệt độ cao, không khí khô; mùa đông bệnh giảm.

- Bệnh tấn công trên cả cành non và cành già. Khi bị nhiễm bệnh, cành non phát bệnh nhanh (sau 3 ngày có thể phát bệnh), cành già phát bệnh chậm (từ 14-30 ngày).

5.3. Quản lý bệnh:

- Dùng dao hoặc kéo cắt hết những cành bị bệnh từ phía dưới các vết loét. Nếu nương chè bị nặng tiến hành đốn toàn bộ diện tích (vết đốn phía dưới các vết loét), thu dọn toàn bộ cành cắt hoặc đốn đem đốt không cho nguồn bệnh phát triển.

- Tới nước cho nương chè trong điều kiện khô hạn.

- Giảm lượng đạm, tăng lân và Kali cho nương chè.

- Sau khi cắt hoặc đốn có thể sử dụng các thuốc gốc đồng.

6. Bệnh đốm mắt cua (Do Cercospora theae Petch)

6.1. Triệu chứng:

- Bệnh gây hại phần lớn ở lá già và lá bánh tẻ. Đầu tiên vết bệnh là một chấm nhỏ màu nâu có đường viền sau lớn dần thành hình tròn hoặc không có hình dạng nhất định. Trên vết bệnh có những hạt nhỏ màu nâu xám, sau chuyển thành tầng mốc có màu xám tro, bệnh nặng có thể làm lá chè rụng hàng loạt.

- Bào tử không màu hình roi có 5-9 vách ngăn, phần đỉnh hơi nhỏ lại.

6.2. Điều kiện phát triển:

Nấm phát triển thích hợp trong điều kiện nhiệt độ từ 15-20oC. Trên 20oC tỷ lệ mầm bào tử giảm. Bào tử lây lan nhờ mưa gió.

6.3. Quản lý bệnh:

- Bón phân hợp lý, cân đối giữa N-P-K

- Kiểm tra thường xuyên ruộng chè nếu thấy triệu chứng bệnh xuất hiện có thể sử dụng thuốc nhóm Chlorothalonil  (Daconil 75WP) ; Propineb (Antracol  70 WP)  phun khi bệnh vừa chớm để hạn chế sự phát triển của bệnh.

7. Bệnh chấm xám

7.1. Triệu chứng gây hại:

Bệnh hại chủ yếu trên lá già, lá bánh tẻ, vết bệnh thường ở đầu mép lá hoặc giữa lá, lúc đầu chỉ là một chấm nhỏ màu xanh vàng sau chuyển thành màu nâu nhạt loang rộng ra và chuyển dần thành màu xám trắng có các vành đồng tâm ranh giới của vết bệnh và mô khỏe là một viền nâu đậm. Bệnh nặng làm cho lá bị rụng, cây phát triển còi cọc.

7.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển bệnh:

Bệnh do nấm Pestalozzia theae gây nên. Nấm bệnh xâm nhập qua vết thương và lỗ hở tự nhiên, quá trình nẩy mầm xâm nhập của nấm bệnh không phụ thuộc vào ánh sáng, sự phát triển của bệnh tương đối nhanh. Bệnh tập trung vào mùa mưa, nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển từ 20-300C.

7.3. Biện pháp phòng trừ:

Bệnh mới xuất hiện có thể thu gom lá bệnh xử lý triệt để, đốn chè tập trung trong thời gian ngắn nhất.

Dùng thuốc hóa học như Trichoderma viride (Biobus 1.00WP); Cucuminoid 5% + Gingerol 0.5% (Stifano 5.5SL); Oligosaccharins (Tutola 2.0AS).

Tài liệu tham khảo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng